Phụ Lục
Trong thời đại con người bay tới cung trăng để du lịch như ngày nay thì đồ họa game nó là một cái gì đó phải có và phải chu đáo. Trong thể loại kinh dị mà nói thì đồ họa “xịn xò” cũng góp một phần quan trọng trong việc làm bạn ướt cả quần. Nhờ có đồ họa tốt mà bạn có thể cảm nhận được những chi tiết rất rõ ràng trên người một con ma lở lói gớm ghiếc, những xác chết nhung nhúc giòi bọ hay những đoạn hành lang nửa tối nửa sáng toát lên một không khí rờn rợn u tịch.
Tuy nhiên, đối với một vài kiểu game kinh dị thì đồ họa không nhất thiết phải quá tốt. Đặc biệt với các game có kinh phí thấp thì việc đổ cả núi tiền làm đồ họa là khó khả thi. Vì vậy các thể loại game này chọn một đồ họa sơ sài và đầu tư mạnh vào những yếu tố khác như xây dựng cốt truyện, âm thanh, tình huống hù dọa.
Đồ họa lung linh, trông như thật thì cũng hay đấy. Nhưng dọa được bạn ngay cả khi đồ họa không bắt mắt thậm chí còn phần thô sơ mới thực sự là một game kinh dị đáng nể. Có thể bạn không tin điều đó, nên hôm nay Mọt sẽ giới thiệu cho bạn 5 ví dụ cụ thể về những game kinh dị có đồ họa không thể gọi là đẹp nhưng cả lối chơi lẫn cốt truyện đều thừa sức khiến bạn đăng xuất khỏi trái đất dễ như chơi.
Nói đồ họa Who’s Lila? không đẹp thật ra cũng không chính xác, phải nói cái game này có phong cách đồ họa kỳ lạ thì đúng hơn. Đây là một game kinh dị độc lạ do Garage Heathen phát triển. Đập ngay vào mắt người chơi khi mở game là một kiểu đồ họa cực kỳ… nhức mắt. Thay vì một cảnh game với các nhân vật rõ ràng thì Who’s Lila? Sử dụng đồ họa điểm chấm màu. Nó khiến game giống như một đoạn phim được quay bằng điện thoại đập đá đời camera đầu tiên. Troll hơn nữa, nhà sản xuất cung cấp thêm một số hiệu ứng phụ để người chơi nhặt qua các giai đoạn trong cốt truyện.
Các hiệu ứng này giúp… đổi màu mấy cái chấm đó. Vì vậy thay vì nhức mắt với chấm màu đen bạn có thể chuyển chúng thành màu cam, tím, đỏ, xanh để… nhức mắt theo một cách khác. Không những nhức mắt với các cảnh game mà bạn còn phải chia một nửa màn hình để nhìn thấy cái mặt của nhân vật chính. Tức là game đã có đồ họa khó nhìn rồi mà khung cảnh lại còn hẹp nữa.
Bù lại, nhà phát triển đã lồng vào game một cốt truyện đầy hấp dẫn và nhiều bất ngờ. Thậm chí còn yêu cầu bạn phải thao tác một số thứ bên ngoài game như truy cập vào một website trên mạng để lấy thông tin mở cửa đi tiếp. Có thể nói trái ngược với đồ họa vừa xấu vừa mờ của Who’s Lila là một cốt truyện hấp dẫn, gameplay lạ lùng và nhân vật nữ chính xinh đẹp.
Who’s Lila bắt đầu với sự mất tích của một nữ sinh vừa xinh vừa giỏi thuộc diện “con nhà người ta” tên Tanya Kennedy. Cuộc tìm kiếm nữ sinh này sau đó hé lộ nhiều bí mật không tưởng có liên quan đến tâm linh và ma quỷ. Tanya được cho là có ngoại hình giống hệt một cô gái bí ẩn tên Lila nhưng tất cả những thông tin về nguồn gốc cũng như tung tích của Lila đều không còn. Nó dẫn đến một cái kết bất ngờ đồng thời cũng vô cùng lạnh gáy khi sự thật về Lila được phơi bày. Đồ họa kỳ quái với các nhân vật mờ mờ ảo ảo được tái hiện qua những chấm pixel cũng không thể nào ngăn bạn cảm nhận sự khủng khiếp của bí mật sau cùng trong Who’s Lila?
Nếu nói về độ kém sắc của đồ họa thì Milk inside a bag of milk inside a bag of milk đỡ hơn con game phía trên một chút dù nó vẫn khiến người ta muốn sái cả quai hàm mỗi khi cố đọc cho trọn vẹn tên của trò chơi. Ít ra bạn vẫn có thể nhìn thấy được nhân vật cùng các hoạt cảnh nhờ thiết kế kiểu 2D thay vì 3D chấm điểm màu. Tuy nhiên nhìn theo tổng thể thì vẫn khá là khó chịu vì nền đen mà hình ảnh lại lên màu đỏ. Đ6ò họa được vẽ theo phong cách anime nhưng chất lượng khá thấp nên có cảm giác nguệch ngoạc.
Mặt khác, Mọt nói đỡ hơn Who’s Lila? Một chút và nhìn rõ các thứ hơn một chút không có nghĩa là nó đã đủ tốt. Một số cảnh vẫn rất khó nhìn ra, đặc biệt với lối pha màu đỏ-đen-hồng đôi khi làm dấy lên một bức tranh dạng pixel cực kỳ nhức mắt. Hơn nữa, nội dung game đặc biệt mô tả một thế giới nửa ảo nửa thật nên có những nhân vật ảo tưởng khiến bạn không thể nào nhìn ra đó là cái gì.
Nhà sản xuất Nikita Kryukov đã bù đắp cho nền đồ họa kinh khủng này bằng một cốt truyện đặc biệt nói về thế giới nội tâm của một người… bất ổn về tâm thần. Có thể nói nội dung game khó nuốt một cách kỳ lạ nhưng chính cái sự rối rắm đó tạo ra sức hấp dẫn. Bạn có muốn đi vào suy nghĩ của một người điên? Nghe hấp dẫn đấy, và chắc chắn nếu nó không rối rắm và khó hiểu như một người điên thì liệu nó có còn hấp dẫn không?
Chính sự đối nghịch một cách đầy chất troll đó đã khiến game được cộng đồng đánh giá rất cao bất chấp đồ họa đã không đẹp lại còn gây nhức mắt. Sau sự thành công của phần đầu, nhà sản xuất đã cho ra mắt phần 2 với cái tên cũng mang chất troll không kém là Milk outside a bag of milk outside a bag of milk. Lần này thì đồ họa được tinh chỉnh hơn, làm rõ ràng hơn nhưng vẫn giữ tông màu đỏ - đen đầy ma mị. Cốt truyện thì vẫn nói về thế giới tâm thần của một người ở lằn ranh giữa tỉnh và điên.
Với sự phát triển của thể loại game indie, nhóm game kinh dị cũng đóng góp nhiều sản phẩm chất lượng với kinh phí thấp và đồ họa đơn giản. Từ đó khai sinh ra những tên tuổi như Chilla’s Art với phong cách game kinh dị ngắn kể một câu chuyện đơn giản mà rùng rợn với kiểu đồ họa chất lượng thấp. Bloodwash là một sản phẩm tiêu biểu cho phong cách như vậy mặc dù không phải của Chilla’s Art.
Được phát triển dưới bàn tay của Black Eyed Priest và Henry Hoare, Bloodwash sử dụng kiểu đồ họa hoài cổ gợi nhớ đến những tựa game PlayStation đời đầu. Tức là một kiểu đồ họa 3D sơ sài và texture chất lượng thấp. Nhà sản xuất đã cố che đậy những góc cạnh không được đẹp của game bằng hiệu ứng VHS hay còn gọi là hiệu ứng làm giả băng hình ngày xưa với tông màu vàng vọt hình vỡ hạt và hiệu ứng nhiễu.
Khi người chơi tắt hiệu ứng VHS đi, thì có thể thấy rõ điểm yếu của phần đồ họa. Mô hình 3D với ít đa giác tạo cảm giác thô và lồi lõm kết hợp các họa tiết texture mờ vỡ khiến người chơi cảm thấy ngột ngạt và xấu xí như chơi một con game cũ hết thời. Đặc biệt cảnh khi cầm súng lại càng khiến người chơi cảm thấy nó quá thô lậu và kỳ quặc.
Thế nhưng đi kèm theo kiểu đồ họa xấu một cách cố ý đó là một cốt truyện vô cùng hấp dẫn. Từ trải nghiệm của một cô sinh viên nghèo phải bất đắc dĩ đi ra tiệm giặt lúc giữa khuya cho đến những bí ẩn khủng khiếp về sau. Nhiều người bị giết một cách dã man, những người bị mất tích bí ẩn cho đến một vụ án kỳ lạ xảy ra từ nhiều năm trước. Tất cả phối hợp lại như một cuốn phim kinh dị cổ điển mà người chơi trực tiếp nhập vai trải nghiệm từ đầu đến cuối.
Tiếp tục là một game indie khác cũng theo kiểu kể một câu chuyện ngắn, đơn giản và một nền đồ họa thô sơ dựng vội. Squirrel Stapler là một game ngắn nằm trong bộ Dread X Collection 2 tập trung các game ngắn cùng thể loại của nhiều tác giả khác nhau.
Squirrel Stapler khởi đầu như một game săn các chú sóc trong rừng với đồ họa 3D tạm bợ và xấu xí. Một bản đồ khá rộng được tạo ra như một khu rừng bao quanh nhà của nhân vật chính với những khu đồi cao thấp xen kẽ cùng thảm cỏ bên dưới và một số cây cao. Chất lượng đồ họa có thể nói là thấp của thấp trong nền tảng 3D FPA. Mọi thứ không những bị bể pixel texture mà còn bị răng cưa mạnh. Nếu bạn là một tay chơi FPS từng kinh qua những game nổi tiếng thì sẽ khóc thầm trong tâm khi thấy một game bắn súng với đồ họa thô như trò đùa thế này.
Có thể nói ở thời điểm ban đầu, game mang lại cho người chơi cảm giác như đây chỉ là một trò săn mấy con sóc bỏ vào lọ nhưng được làm cẩu thả với một đồ họa xấu xí ma chê quỷ hờn nhằm tiết kiệm thời gian của nhà phát triển. Tuy nhiên khi kiên nhẫn trải nghiệm đủ lâu thì bạn sẽ nhận ra bù trừ cho đồ họa là một ý tưởng khá là rùng rợn từ nhà sản xuất David Szymanski. Những con sóc bạn bắt mỗi ngày về không được bỏ vào lọ mà được… đóng vào xác vợ của nhân vật chính được treo trên tường trong nhà, đúng như cái tên của game.
Theo thiết kế, người chơi sẽ có 5 ngày đi săn có chỉ tiêu đàng hoàng. Mỗi ngày phải mang về xác của một con sóc lớn và năm con sóc nhỏ để làm thủ tục tế lễ. Đi gom số sóc này giữa một khu rừng rộng và băng đạn chỉ có 5 viên không được trữ thêm là một trải nghiệm khá khó xơi đấy. Sau khi trải nghiệm đủ 5 ngày và tích đủ số sóc đóng vào xác người vợ với hy vọng hồi sinh cô ta thành một con người mới bạn sẽ nhận một cái kết đầy bất ngờ. Bất ngờ thế nào thì chắc bạn phải chơi để biết, Mọt sẽ tránh spoil sự thú vị cuối cùng của game dành cho bạn.
Nếu một số game phải chấp nhận với đồ họa thô sơ vì vì ít vốn thì Power Drill Massacre lại được tạo hình xấu xí một cách có chủ ý. Nguyên nhân của việc “xấu mà không xa, sida nhưng vẫn xông pha đi hiến máu một cách có hệ thống” là bởi nhà sản xuất muốn mang lại không khí cổ điển từ thời PlayStation của thập niên 90. Đi kèm với đồ họa không đẹp một cách cố ý là lối chơi gợi nhớ đến những game kinh dị huyền thoại cuối những năm 90 như Silent Hill 1.
Kết quả là chúng ta có một game với đồ họa 3D thô, đầy góc cạnh như được tạo ra cho chiếc máy PlayStation đời đầu. Thậm chí đường cong của nữ nhân vật chính cũng bị làm nhọn ra gợi nhớ đến meme hai chiếc bánh ú huyền thoại của nàng Lara Croft đến giờ vẫn còn nổi tiếng trong giới game thủ. Các chi tiết áp vào mô hình cũng được làm theo dạng chất lượng thấp khiến bạn có thể nhìn thấy nó bị bể pixel hoặc nhòe một cách khủng khiếp do bị phóng đại lên quá trớn.
Điều này kèm theo việc mô tả phần chơi chính diễn ra trong một nhà máy bỏ hoang càng khiến khung cảnh trở nên xấu xí với các bãi rác, tường nứt nẻ, đồ vật rỉ sét. Tất cả chúng được làm bằng nền tảng chi tiết thô nên toát lên khung cảnh của một mớ hỗn độn. Tuy nhiên bù lại cho phần hình dễ gây nản lòng chiến sĩ thì phần âm lại được làm tốt với hệ thống âm thanh nổi giúp bạn nghe được con trùm đang tiến đến theo hướng nào. Kèm theo đó là nhạc nền đinh tai nhức óc được phát ra khi bạn bị nó truy đuổi càng tăng thêm độ sợ “quéo càng” cho cuộc chạy trốn bảo toàn tính mạng.
Cả câu chuyện của Power Drill Massacre là hành trình của nhân vật chính tên Megan. Cô cùng người bạn là Jeff bất ngờ gặp tai nạn xe vào một ngày năm 1987. Jeff bị thương không thể di chuyển khiến Megan phải lấy chiếc đèn pin dự phòng ở trong xe và bắt đầu đi tìm giúp đỡ. Cô gái lạc vào một nhà máy ở gần đó và bị nhốt lại. Megan nhận ra rằng bên trong nhà máy có một kẻ giết người hàng loạt cư trú và hắn truy đuổi cô bằng vũ khí là một chiếc khoan điện. Megan sẽ phải tìm được 3 chiếc chìa khóa có 3 màu khác nhau dùng để mở cửa chạy khỏi nhà máy này trước khi bị gã giết người tóm được.
Nhìn chung đây là một mô hình khá quen thuộc với những game sinh tồn theo nhóm hiện đại như Dead by Daylight hay Identity V nhưng lại được Power Drill Massacre tái hiện dưới phong cách đồ họa xấu một cách cố ý của những năm 90. Và đó là 5 tựa game kinh dị có đồ họa không được đẹp nhưng vẫn mang lại cho người chơi những trải nghiệm hết sức là rùng rợn. Tất nhiên vẫn còn những tựa game khác có đồ họa thấp nhưng vẫn chất lượng. Mọt sẽ giới thiệu chúng đến các bạn trong phần tiếp theo ở một thời điểm khác. Ngoài ra nếu biết những game nào dù có ngoại hình xấu xấu bẩn bẩn nhưng vẫn làm người ta sợ đến đăng xuất thì bạn có thể bình luận để Mọt biết mà đưa vào video kế tiếp nha.